TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ TINH THẦN YÊU NƯỚC
Năm 1862, sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay quân Pháp, ở các tấn cửa biển Cù Mông, Xuân Đài, Phú Sơn, Đà Diễn (đạo Phú Yên) “giặc thường lén lút nổi lên”, quan tỉnh đã xin lệnh Triều đình Huế sức cho các xã thôn đoàn kết dân dõng, mỗi đồn 30, 40, 50 người, cấp khí giới, đồ binh để tuần phòng chống giặc. Nhân dân các làng ở tổng Xuân Bình (bao gồm cả phường Xuân Phú hiện nay) đã tham gia dân dõng, hương binh, củng cố phòng thủ chống giặc biển cướp phá quê hương.
Sau sự biến kinh thành Huế đêm 4 rạng sáng ngày 5/7/1885, vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị). Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và Nhân dân cả nước giúp vua chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, tại Núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, Lê Thành Phương dựng cờ khởi nghĩa. Tháng 9/1885, nghĩa quân do Lê Thành Phương lãnh đạo, chỉ huy đánh chiếm thành An Thổ - tỉnh lỵ Phú Yên.
Trong lực lượng khởi nghĩa, Nhân dân tổng Xuân Bình (bao gồm cả phường Xuân Phú hiện nay) tham gia dân binh thuộc Phân khu Bắc do Bùi Giảng chỉ huy. Để ngăn chặn phong trào đang phát triển ở Phú Yên, triều đình Huế yêu cầu Pháp đưa quân ở Nam Kỳ ra can thiệp. Ngày 4/2/1887, lực lượng quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Chevreux cùng lính tuyển mộ từ Nam Kỳ do Trần Bá Lộc chỉ huy tiến ra Phú Yên. Ngày 5/2/1887, quân Pháp và quân tay sai đổ bộ vào vịnh Xuân Đài. Để đối phó với quân Pháp vào vịnh Xuân Đài, nghĩa quân ở Phân khu Bắc tập trung tại 3 đồn Phú Vĩnh, Tân Thạnh, Hảo Nghĩa do lãnh binh Nguyễn Bảy và tướng thủy quân Lê Nhàn chỉ huy đánh địch. Do lực lượng và trang bị quá chênh lệch, nghĩa quân bị tổn thất nặng. Trước sức mạnh của quân Pháp, Lê Thành Phương phải rút quân lên đồn Vân Hòa để bảo toàn lực lượng và dựa vào đồng bào miền núi để tiếp tục kháng chiến. Trần Bá Lộc ra lệnh truy sát nghĩa quân và những người cộng tác với nghĩa quân. Một cuộc đồ sát man rợ diễn ra nhiều địa bàn trong tỉnh. Trần Bá Lộc cho xây dựng 4 đồn tiền tiêu biên phòng, trong đó có 2 đồn tại Xuân Đài và Cây Dừa (Tiên Châu), mỗi đồn có một đội quân trấn nhậm để ngăn chặn, kiểm soát các hoạt động của nghĩa quân và Nhân dân tại địa phương. Nhân dân Xuân Đài với tinh thần quật cường chống ngoại xâm vẫn không nao núng trước sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.
Năm 1908, phong trào “duy tân”, “cúp tóc”, “chống sưu cao thuế nặng” bùng lên mạnh mẽ trên địa bàn Phú Yên. Nhân dân Xuân Phú (lúc ấy là tỉnh lỵ Sông Cầu), tổng Xuân Bình đồng tình hưởng ứng sôi nổi như nhiều địa phương khác trong tỉnh Phú Yên. Công sứ Sông Cầu và Tuần vũ Phú Yên gọi là “giặc đồng bào”, “giặc cúp tóc”. Bị kẻ thù đàn áp nhân dân tại Tỉnh lỵ Sông Cầu:
“Trước sau trên dưới một lòng,
Chết đành chịu chết, quyết không chịu lùi”
(Ca dao)
Sau khi phong trào Cần Vương và phong trào Duy Tân trên địa bàn Phú Yên lần lượt thất bại; bộ máy cai trị thực dân, phong kiến ở Sông Cầu càng tăng cường áp bức, đàn áp những người yêu nước tàn bạo, dã man hơn. Phong trào cách mạng ở các làng Long Hải, Long Bình (nay là phường Xuân Phú) nói riêng, tổng Xuân Bình nói chung đang đứng trước một thách thức mới.
Các tổ chức yêu nước thành lập trên địa bàn thị trấn Sông Cầu, từ năm 1927 đến 1929, chủ nghĩa Mác-Lênin được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tuyên truyền đến nhiều nơi trong cả nước. Sông Cầu là tỉnh lỵ của Phú Yên, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả tỉnh, là nơi tập trung đông đảo các thành phần nhân viên, công nhân, trí thức trong tỉnh. Những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đến địa bàn Sông Cầu, đã tác động đến phong trào đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân ở Sông Cầu.
Tháng 9/1927, thầy giáo Phạm Đức Bân bị chính quyền thực dân điều động từ Thanh Hóa vào Sông Cầu, dạy tại Trường Tiểu học Sông Cầu. Thầy Bân liên lạc với nhiều thầy giáo, công chức, học sinh tại Sông Cầu như Bùi Dung, Trịnh Bá Đài, Trương Đình Nhị, Trương Đình Giám … để xây dựng lực lượng theo đường lối Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ tháng 1/1928, nhóm truyền bá tư tưởng cách mạng yêu nước của thầy giáo Phạm Đức Bân đã tuyên truyền tôn chỉ, đường lối cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong một bộ phận đông đảo học sinh, công chức ở tỉnh lỵ Sông Cầu.
Tinh thần, tư tưởng yêu nước cách mạng lan rộng đến các tầng lớp Nhân dân tiến bộ trong tỉnh lỵ (nay là 2 Phường Xuân Phú, Xuân Yên). Trên cơ sở lực lượng được xây dựng, thầy giáo Phạm Đức Bân thay mặt tổ chức Hưng Nam tuyên bố thành lập chi bộ Hưng Nam tại Sông Cầu- Phú Yên. Đến tháng 7/1928, tổ chức Hưng Nam đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng, chi bộ Hưng Nam ở Sông Cầu cũng đổi tên là chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Sông Cầu. Chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Sông Cầu có các đồng chí: Phạm Đức Bân, Bùi Dung, Trịnh Bá Đài, Trương Đình Nhị, Trương Đình Giám, Bùi Xuân Cảnh, Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Hợi, Trương Khâm, Phạm Ngọc Hổ, Bùi Văn Hữu …
Nhiệm vụ của chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Sông Cầu lúc này là tuyên truyền tư tưởng cách mạng đến các tầng lớp học sinh, viên chức và một số binh lính khố xanh ở Sông Cầu có tinh thần yêu nước, có tư tưởng tiến bộ. Trong những năm 1928-1929, chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Sông Cầu đã làm tốt công việc tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xây dựng được cơ sở trong các tầng lớp công chức, trí thức, học sinh, binh lính … Phạm vi hoạt động của chi bộ phát triển đến Chí Thạnh, La Hai.
Trong thời điểm chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Sông Cầu đang tích cực mở rộng phạm vi hoạt động thì vào tháng 3/1928, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, một y tá đang làm việc ở Vinh (Nghệ An), hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị chính quyền thực dân chuyển vào làm việc tại Nhà thương Sông Cầu. Đến Sông Cầu, Nguyễn Văn Nguyên liên lạc với Nguyễn Trung Hanh, Nguyễn Giao (đang làm công chức ở Sông Cầu) vận động xây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 6/1928, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sông Cầu được thành lập do Nguyễn Văn Nguyên làm Bí thư.
Qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng đất Xuân Phú, (trước kia là thị trấn Sông Cầu) đã sinh ra những người con ưu tú, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đó là: Liệt sĩ Nguyễn Hồng Sơn - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại đội trưởng Đại đội 201 đặc công, bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên; Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lương Sỹ Bổ - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Binh vận huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ông Trần Bính, một nhân sĩ yêu nước quê Long Phước Đông (phường Xuân Phú), từng học trường hậu bổ thời triều Nguyễn (khóa cuối năm 1912), đã từ bỏ làm công chức cho chế độ cũ, tham gia cách mạng và được giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân thị trấn Sông Cầu (nay là 2 phường Xuân Phú, Xuân Yên và xã Xuân Lâm, một phần xã Xuân Phương, một phần phường Xuân Thành ngày nay) đã dũng cảm kiên cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng: 13 Huân chương Độc lập hạng 1,2,3; 153 Huân chương Kháng chiến hạng 1, 2, 3; 128 Huy chương Kháng chiến hạng 1, 2; 228 Huân chương Quyết thắng hạng 1, 2, 3; 02 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều bằng khen các loại. Ngày 22/8/1998, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân thị trấn Sông Cầu (nay là phường Xuân Phú, phường Xuân Yên, xã Xuân Lâm, một phần xã Xuân Phương và một phần phường Xuân Thành – thị xã Sông Cầu), được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Trong thành tích vẻ vang đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, Nhân dân phường Xuân Phú.
Đất nước thống nhất, người dân Xuân Phú tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, chung sức, chung lòng xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, bình yên. Nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Nhân dân phường Xuân Phú đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản. Xuân Phú đã và đang thực sự chuyển mình, hòa trong nhịp sống đang vươn lên. Cán bộ, Nhân dân phường Xuân Phú dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp đã và đang phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, xây dựng Xuân Phú ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.